Chi tiết tin - Xã Mò Ó - Đakrông

 

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 3
  • Hôm nay 12234
  • Tổng truy cập 87.694

NGƯỜI VÂN KIỀU, PA CÔ TỪNG BƯỚC LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ

Post date: 24/10/2024

 

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Đakrông không cho phép mình chậm chân. Bằng nỗ lực bản thân và sự tiếp sức của các cấp, ngành, hội, đoàn thể, họ đã vươn lên, từng bước làm chủ công nghệ để phát triển kinh tế, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xã Tà Long, huyện Đakrông có 920 hộ dân với khoảng 4.600 nhân khẩu, chủ yếu là người Vân Kiều, Pa Kô. Trước đây, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhờ được các cấp, ngành tiếp sức, người dân địa phương dần phát huy được nội lực, có những bước tiến đáng mừng. Trên hành trình đổi thay, người dân xã Tà Long, đặc biệt là phụ nữ đã làm được nhiều điều mà họ từng cho là không thể. Việc phát huy thế mạnh địa phương và ứng dụng thành tựu công nghệ để làm du lịch là một ví dụ.

Chia sẻ với phóng viên, chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long cho biết, 5 năm trước, mình tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp. Đó có thể xem là điểm xuất phát của tour du lịch 199k. Từ thời điểm ấy đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ trong xã đã đặt nền móng, xây dựng tour, rồi thành lập tổ hợp tác.

Nhờ biết cách tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ, mạng xã hội, các thành viên trong tổ sớm giúp tour du lịch 199k thu hút khách gần xa.

“Trước đây, một số phụ nữ ở xã chúng tôi không biết chiếc điện thoại là như thế nào. Giờ đây, hầu như chị em nào cũng có. Không những thế, chúng tôi còn biết sử dụng mạng xã hội, các ứng dụng để mua bán, trao đổi, hàng hóa, đặc biệt là quảng bá nét đẹp văn hóa, sản vật quê hương...”, chị Thương nói.

Nhắc đến tín hiệu vui của phong trào phụ nữ ở xã Tà Long, chị em trên địa bàn huyện nói chung, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Tây Nguyên khẳng định, đây là kết quả của một quá trình. Trước kia, theo quan niệm cũ, vị trí người phụ nữ ở bên bếp lửa. Hằng ngày, họ vừa phải vun vén việc nhà, vừa quần quật lao động sản xuất. Sấp ngửa với những nghĩa vụ, phần lớn chị em không thể nắm bắt, làm chủ công nghệ.

Trước thực tế ấy, Hội LHPN huyện Đakrông đã nỗ lực thay đổi nhận thức cán bộ, hội viên; đa dạng hóa hoạt động, phong trào nhằm phát huy cao nhất vai trò, vị trí chị em; tích cực hỗ trợ phụ nữ khó khăn...

Nhận thấy thời cơ mà công nghệ số mang lại, Hội LHPN huyện Đakrông chủ động mở nhiều lớp tập huấn giúp hội viên biết cách bán hàng online; ứng dụng AI trong công việc, cuộc sống; sử dụng các phần mềm tiện ích...

“Toàn huyện Đakrông hiện có hơn 8.000 cán bộ, hội viên phụ nữ. Nhờ tiếp cận với những điều mới mẻ nên nhận thức và vị thế của chị em không ngừng tăng”, chị Tây Nguyên khẳng định.

Không chỉ trong cán bộ, hội viên phụ nữ, hiện nay, cuộc sống nhiều người dân huyện Đakrông đã đổi thay tích cực nhờ nỗ lực vươn lên, làm chủ công nghệ. Hiện nay, các trang thiết bị, máy móc hiện đại, đặc biệt là chiếc điện thoại di động đã trở nên quen thuộc với bà con.

Hầu như ai cũng biết rõ lợi ích mà internet mang lại. Nhờ đó, tình trạng “nghèo” về thông tin trong người dân giảm xuống nhanh chóng. Một số người còn phát huy tối đa công nghệ, mạng xã hội để bán hàng online; tổ chức các buổi livestream; xây dựng video quảng bá, tuyên truyền...

Ngoài nỗ lực của mỗi cá nhân, đằng sau việc người dân huyện Đakrông, đặc biệt là bà con Vân Kiều, Pa Kô nêu cao ý thức vươn lên, từng bước làm chủ công nghệ có sự đóng góp lớn của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, hội, đoàn thể trên địa bàn.

Từ nhiều năm trước, nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo huyện Đakrông đã xác định mục tiêu đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận công nghệ. Nhiều giải pháp sớm được xây dựng, triển khai như: tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu ý nghĩa và cách tiếp cận những tiến bộ về công nghệ; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hỗ trợ các máy móc, trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở giáo dục, đơn vị, người dân có hoàn cảnh khó khăn...

Vai trò, vị trí của các tổ công nghệ số trên địa bàn được phát huy cao độ. Thành viên trong các tổ tích cực về tận thôn, bản hướng dẫn người dân cách phát huy tối đa sức mạnh của công nghệ.

Trong những nỗ lực chung, giúp người dân vươn lên, từng bước làm chủ công nghệ của cả hệ thống chính trị huyện Đakrông, vai trò của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được phát huy cao độ. Bí thư Huyện đoàn Đakrông Nguyễn Đức Linh cho biết, hiện nay, toàn huyện có 2.700 ĐVTN. Vốn nhanh nhạy, ham học hỏi, thời gian qua, nhiều ĐVTN đã học hỏi, trau dồi, ứng dụng hiệu quả những bước tiến mới về công nghệ vào việc sản xuất, kinh doanh. Không những thế, họ còn là những nhân tố tích cực trong việc vận động, hỗ trợ người dân.

Mới đây nhất, tuổi trẻ huyện Đakrông đã đồng loạt ra quân giúp dân cài đặt các phần mềm miễn phí; hướng dẫn cách thanh toán không dùng tiền mặt bằng mã QR Code; sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hiệu quả...

“Bà con rất vui khi nhận được sự hỗ trợ của ĐVTN. Sau khi được hướng dẫn, nhiều người đã ứng dụng được ngay. Ai cũng muốn vươn lên làm chủ công nghệ, phục vụ cuộc sống và việc sản xuất, kinh doanh”, anh Linh nói.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc áp dụng công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH đã làm nên những tín hiệu vui trên hành trình giảm nghèo tại huyện Đakrông. So với trước kia, đời sống vật chất, tinh thần của bà con địa phương được nâng lên.

Người Vân Kiều, Pa Kô ngày càng chủ động, tích cực trong việc tiếp cận tiến bộ về công nghệ. Từ đây, khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược đã được rút ngắn.

More